COP26, Caritas Quốc Tế Kêu Gọi Các Nhà Lãnh Đạo Chính Trị Chấp Thuận Thăng Tiến Người Nghèo Do Biến Đổi Khí Hậu 

  • Thứ năm, 23:30 Ngày 11/11/2021
  • Nhân dịp Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26, khai mạc vào ngày 31 tháng 10, tại Glasgow, Caritas Quốc tế kêu gọi các chính phủ áp dụng các chính sách đảm bảo chăm sóc môi trường và công bằng xã hội. 

    Có 162 thành viên Liên minh Caritas – một số thành viên sẽ hiện diện tại COP26 - hoạt động trên khắp thế giới và đi đầu trong việc ứng phó với hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đang gây ra đau khổ cho nhiều cộng đồng. Chính vì thế, cùng với thông điệp Laudato Si’, Caritas Quốc tế nhắc lại lời kêu gọi của thông điệp về công bằng khí hậu và các chính sách bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt những người di dân. 

    “Những cơn bão tàn phá, nước mặn và đất bị muối hoá do mực nước biển dâng cao và lũ lụt nghiêm trọng đã tác động đến nhiều cộng đồng,” Aloysius John, Tổng thư ký Caritas Quốc tế cho biết. “Biến đổi khí hậu đã tạo ra những ảnh hưởng không thể thay thế ở nhiều nơi trên thế giới mà sự thích ứng là thách thức chính cho nhóm cư dân địa phương dễ bị tổn thương. Mặc dù họ không phải chịu trách nhiệm về khủng hoảng khí hậu, nhưng những cộng đồng này lại phải gánh chịu những hậu quả về việc mất nhà cửa, sinh kế, môi trường sống và cơ sở hạ tầng.” 

    Điều kiện thời tiết khắc nghiệt đang đẩy người dân phải di cư hoặc buộc phải tái định cư, dẫn đến việc đánh mất bản sắc văn hoá và xã hội trong cộng đồng của họ. “Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có quy chế tị nạn hoặc sự bảo vệ nào của quốc tế được cấp cho họ, họ bị tước đoạt các quyền cơ bản như môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững. Các quyền cơ bản mà các chính phủ buộc phải tuân thủ và thực hiện qua hành động của họ vì khí hậu. Như Đức Thánh Cha tuyên bố trong thông điệp Laudato Si’, những nước phát triển của Phía Bắc toàn cầu không thể bỏ qua món nợ sinh thái đối với Miền Nam toàn cầu,” Aloysius John cho biết thêm.

    Caritas Quốc tế nhắc lại rằng các Quốc gia phải có trách nhiệm hành động cấp bách trước khi quá trễ. Mặc dù đại dịch COVID-19 đã dẫn đến nhiều ưu tiên mới, nhưng điều này không nên được cho là cái cớ để trì hoãn những quyết định và càng trì hoãn hành động vì khí hậu nữa. Ngược lại, cần thúc đẩy cam kết tập thể áp dụng mô hình phát triển mới dựa trên các nguồn năng lượng sạch và tái tạo, một nền kinh tế bao gồm và công bằng hơn, cũng như những biện pháp cụ thể về giảm thiểu đói nghèo và xoá nợ. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra trong thông điệp gần đây với mạng lưới BBC, “những thời điểm khó khăn” như đại dịch COVID-19 “cũng tạo ra những cơ hội, những cơ hội mà chúng ta không được lãng phí”.

    Quỹ khí hậu có khuynh hướng tập trung quá mức vào cơ sở hạ tầng quy mô lớn và không có các chiến lược thích ứng với khí hậu của địa phương như là mục tiêu chính. Có nhu cầu khẩn cấp về quỹ khí hậu để tiếp cận các cộng đồng địa phương nhằm thực hiện thích ứng cho người dân và cung cấp cho họ khả năng kiểm soát nhiều hơn đối với các ưu tiên và nhu cầu khẩn cấp của họ.

    Tại thời điểm quan trọng này, điều quan trọng là các Quốc gia thành viên trong các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc công nhận các ràng buộc mang tính pháp lý và đạo đức đối với các cộng đồng bị ảnh hưởng nhiều nhất và các thế hệ tương lai. Caritas Quốc tế phát động lời kêu gọi đạo đức về sự tham gia vô điều kiện và trách nhiệm của các Quốc gia giàu hơn để bảo vệ các nhóm người nghèo hơn ở các nước đang phát triển, những quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, mặc dù họ không phải chịu trách nhiệm về điều này.

    Do đó, Liên minh Caritas kêu gọi các chính phủ này là:

    - Phát triển và thúc đẩy các chính sách về khí hậu vì người nghèo và dựa trên quyền con người nhằm tạo điều kiện cho người nghèo sống xứng với phẩm giá, thích ứng và chống chịu với các tác động bất lợi của khí hậu.

    - Tôn trọng những cam kết của chính phủ trong việc cung cấp hỗ trợ tài chính cấp thiết cho các nước nghèo nhất bằng cách ưu tiên giải quyết vấn đề Mất mát và Thiệt hại, phân bổ nguồn tài chính về khí hậu cụ thể và cung cấp sự bảo vệ đặc biệt cho những người và cộng đồng phải di dời trong và ngoài các quốc gia do tác động xấu của biến đổi khí hậu

    - Tham gia và theo đuổi sự hợp tác đích thực với các tổ chức xã hội dân sự, đặc biệt là các tổ chức được xây dựng trên nền tảng đức tin và các Giáo hội địa phương có quan hệ chặt chẽ với các cộng đồng địa phương.

    Chuyển ngữ: PTT - Caritas Việt Nam
    Nguồn: Caritas Quốc tế

    Bài viết liên quan